Dưới đây là 5 nguyên tắc duy trì "hòa bình" khi sống trong gia đình nhiều thế hệ.
Hẳn bạn còn nhớ câu chuyện người đàn ông cho bố ăn cơm trong cái bát sứt mẻ. Và cậu con nhỏ cũng giữ lại chiếc bát như thế để dành cho bố sau này. Nếu không tôn trọng những bậc sinh thành mình hay vợ/chồng, bạn đã nêu một tấm gương xấu cho con cái. Nếu muốn lắp thêm cái điều hòa nhiệt độ hay thay đổi ti vi ở phòng khách, bạn cũng nên hỏi ý kiến và chỉ nên làm khi có sự đồng ý của những người lớn trong nhà. Khi các cụ chưa ưng thì bạn chờ cơ hội để thuyết phục thêm chứ đừng khăng khăng làm mọi việc theo ý mình. Dù người già có khó tính hay lẩm cẩm đến đâu thì bạn cũng nên tôn trọng và cảm thông bởi có thể sau này bạn cũng không tránh khỏi điều đó.
2. Thống nhất cách nuôi dạy trẻ
Nếu bạn muốn rèn tính tự lập cho con trai ba tuổi thì thông báo với ông bà, cô, chú của bé không nên bón cơm, lấy giấy hay làm giúp những việc bé đã có thể tự làm. Tương tự, nếu muốn dạy con ngoan ngoãn, có kỷ luật, bạn cũng phải "có lời" trước rằng ông bà đừng bênh bé khi mẹ giơ roi vọt. Thiếu nhất quán trong cách nuôi dạy trẻ là quả bom tấn phá hỏng bầu không khí hòa thuận trong gia đình. Sống trong một gia đình mà "trống đánh xuôi kèn thổi ngược", con bạn sẽ dễ thành đứa trẻ khó bảo.
3. Chân thành, cởi mở
Bạn hãy sống chung với bản chất của mình và cố gắng hoàn thiện dần. Nếu mẹ chồng có góp ý bạn rán nem hơi quá lửa thì cũng đừng mặt sưng mày sỉa lên với bà, nên tiếp thu và rút kinh nghiệm. Bạn bức xúc điều gì thì cũng nên lựa lúc thích hợp để trao đổi thẳng thắn, nhẹ nhàng và tìm ra giải pháp phù hợp chứ đừng khư khư ôm mối hận trong lòng cho mau tổn thọ.
4. Bớt cái "tôi" để quan tâm tới người khác
Bạn không thể cứ bật nhạc rock chói tai khi trong nhà có cụ già khó ngủ. Nếu mẹ chồng dị ứng với thức ăn chế biến sẵn thì bạn đừng liên tục "tra tấn" bà bằng những món đồ ăn nhanh mua ngoài hàng. Sống chung cũng đồng nghĩa với việc bạn phải "nhìn trước ngó sau" mỗi khi làm việc gì đó.
5. Nhập gia tùy tục
Nếu bạn chưa bao giờ ăn quẩy chấm mắm tôm thì cũng đừng nhăn mặt, bịt mũi trước món khoái khẩu ấy của bố chồng. Chê bai nếp sống hay thói quen cố hữu của gia đình chồng và lao vào cải tạo mọi thứ theo ý mình là điều bạn không nên làm vì dễ chạm tự ái của mọi người. Nhập gia tùy tục, tốt hơn là bạn cố gắng chấp nhận mọi thứ và hòa nhập càng nhanh càng tốt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét